THƠ HỒ XUÂN HƯƠNG
TÌNH BẠN :: THƠ :: THƠ SƯU TẦM
Trang 1 trong tổng số 1 trang
THƠ HỒ XUÂN HƯƠNG
Mời bạn xem trang văn-hoc-sử về nữ-sĩ bà Hồ xuân Hương ;
Cảm ơn bạn Hong Ho đã chuyển một sử-liệu văn-học giá-trị.
TTKh.
From: hong ho
Subject: Hồ Xuân Hương
Subject: Hồ Xuân Hương
Hồ Xuân Hương, Người Đẹp, Người Tình
http://1.bp.blogspot.com/_SWuEYKDOI2w/SxiKaOZaXII/AAAAAAAAiFs/R5DOyl2UakM/s400/01.jpgViệc nghiên cứu về thơ Hồ Xuân Hương đã có những tiến-bộ vượt bực trong vòng nửa thế-kỷ qua.
Từ một người mà Lữ Hồ ở trong Nam vào năm 1958 còn không chắc là có thật (“Có chăng một bà Hồ Xuân Hương?”, Sáng Tạo số 24 ra tháng 9/1958) cũng như Hoàng Trung Thông ở ngoài Bắc đến năm 1986 còn viết:
Người ta nói nhiều về
Hồ Xuân Hương
Nhưng người đó là ai?
Thật mỉa mai
Không ai biết rõ
Như có như không như không như có…
ngày nay, trái lại, chúng ta đã biết khá nhiều về bà.
Một nhà thơ chữ Hán
Nhờ Trần Thanh Mại công-bố về sự phát hiện của tập thơ Lưu Hương Ký vào hai năm 1963-64 (trên Tạp chí Văn học ở Hà-nội), chúng ta khám phá ra một Hồ Xuân Hương làm thơ chữ Hán mà một cụ bà rất giỏi Hán-Nôm ở hải-ngoại mô-tả là “tình tứ triền miên” một “người ít học không thể làm nổi loại thơ ấy.”
Gần như cùng lúc, Trần Văn Giáp và Cao Huy Giu cũng tìm ra tám bài thơ chữ Hán của bà mang tên “Đồ-sơn bát cảnh.” Đến năm 1983, Hoàng Xuân Hãn ở Pháp công-bố 5 bài thơ đề Vịnh Hạ-long mang tên bà trong sách Đại-Nam dư-địa-chí ước-biên mà dịch-giả Lê Xuân Giáo ở Sài-gòn cho biết là của Cao Xuân Dục, một tác-giả rất cẩn trọng và có uy-tín. Rồi đến lượt Bùi Hạnh Cẩn cho biết còn tìm được ra trong tủ sách gia-đình của ông Trần Văn Hảo, làng Quần-phương, huyện Hải-hậu, Nam-định, một chùm 9 bài thơ mang tên Hương-đình Cổ Nguyệt Thi-tập (“Tập thơ Cổ Nguyệt ở Vườn Thơm”), cũng gần như chắc chắn là của bà bởi một nét đặc-sắc của bút-pháp Hồ Xuân Hương là chơi chữ:
Cổ Nguyệt = trong chữ Nho hai chữ này nhập lại thành chữ “Hồ,” họ Hồ
Hương-đình có nghĩa là “Vườn Thơm” nhưng cũng có chữ “Hương” ở trong đó, nhắc cho ta tên của bà (Xuân Hương).
yemdao12Cũng tựa như mấy chữ ghi bên cạnh tên sách Lưu Hương Ký: “Hoan-trung Cổ-nguyệt-đường Xuân Hương nữ-sử tập.” Tức đây là một cách ký tên của bà vào những tác-phẩm đó.
Do đó, ngày nay ta có thể mạnh miệng khẳng-định mà không sợ sai: Hồ Xuân Hương, “bà chúa thơ Nôm,” còn là một nhà thơ chữ Hán xuất chúng.
yemdao4Một giai-nhân
Đã có lúc người ta dựa vào bài thơ Nôm “Quả mít” của bà để gán cho bà hai chữ xấu xí (“Da nó xù xì”), thậm chí có người còn mường tượng ra là bà mặt rỗ. Đó là quan-niệm của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến trong sách Giai-nhân di-mặc (1915), cuốn sách đầu tiên hư-cấu-hoá đời của bà, một quan-niệm được Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa khai triển ra thành một thuyết của Freud về “ẩn-ức” đem ứng-dụng vào văn thơ Việt-nam (trong “Cái ám ảnh của Hồ Xuân Hương,” Tiến hoá số 1, tháng 1/1936, và trong sách Văn nghệ bình dân VN, Thanh-hoá, 1951). Song thuyết này hiển-nhiên không đứng vững khi như sau này, người ta khám phá ra bài “Quả mít” chính ra là một tác-phẩm của Đặng Thị Huệ, tức Bà Chúa Chè, người phi sủng-ái của Trịnh Sâm (1767-82), một người nếu không nghiêng nước nghiêng thành thì cũng không ai có thể nói được là không có nhan-sắc.
yemdao7Thật ra, những bằng-chứng cụ-thể mà ta có về Hồ Xuân Hương đều nói đến một người đẹp. Như khi bà còn trẻ, chỉ khoảng 15-16 tuổi, một “danh-sĩ” ở làng Quỳnh-đôi, tức cùng làng với bà, Dương Tri Tạn, đã viện cớ “vịnh cái điếu bát của Cô” để mà làm mấy câu cợt nhả nhưng chắc cũng có phần nào gần sự thật:
Eo lưng thắt đáy thậm là xinh!
Điếu ai hơn nữa điếu cô mình?
Thoắt châm thoắt bén duyên hương lửa,
Càng núc càng say nỗi tính tình.
Trong thơ chữ Hán của những người giao thiệp với nàng, không ít bài ca tụng nhan-sắc có thể chim sa cá lặn của nàng. Ông Tốn Phong, chẳng hạn, khi mới gặp nàng đã tán tụng: “Hồng nhan nghi thị thác sinh nhân!” mà tôi đã từng dịch là “Ngỡ là Người Đẹp thác sinh xuống trần!” (trong bài “Tao huyền huyền thượng xuất Tao thần”). Theo cụ Hãn, đã có lần Tốn Phong đi gặp Hồ Xuân Hương về, sướng quá đã tưởng mình là “ông chài ở Vũ-lăng chèo thuyền tới Nguồn Đào, được gặp tiên.” (“Hồ Xuân Hương với Vịnh Hạ Long,” Tập san Khoa học xã hội số 11-12, tháng 12/1983)
yemdao5Nhưng trong cái đẹp của nàng, nó như có cái gì bất thường. Bởi khi nàng về theo cha để mở trường dạy học ở làng Mương (nay là xã Sơn-dương, huyện Phong-châu, tỉnh Vĩnh-phú) thì có câu thơ:
Đánh gốc, bốc trà, may Tú Điếc;
Cá Kình mắc lưới, phúc Nho Trâm.
Cả ba người, Tú Điếc, Nho Trâm và “Tổng” Kình (tức Tổng Cóc) đều theo đuổi cô con gái xinh đẹp con của ông đồ Nghệ, nhưng chỉ có Tổng Kình “mắc lưới” còn hai người kia thì được xem như là thoát (“may” và “phúc”). Vậy rõ ràng nàng có thể đẹp nhưng cũng có cái nét gì để cho người ta phải coi là không được, là cần tránh. Nên khi Tổng Kình (Tổng Cóc) bắt được nàng thì lại bị coi là “mắc lưới,” chắc là do nàng tung ra.
yemdao8Phải chăng nàng là một người lẳng lơ, sẵn sàng sấn tới (“Thoắt châm thoắt bén duyên hương lửa”), “aggressive” kiểu như người ta hay nói về một loại người đàn bà ở Mỹ–một loại “sexpot”?
Bởi về sau, khi đã lớn tuổi rồi, không còn bao nhiêu hứng thú trong chuyện làm tình, bà vẫn còn bị Chiêu Hổ hạ cho một đôi câu đối khá ác:
Người Cổ lại còn đeo thói Nguyệt,
Buồng Xuân chi để lạnh mùi Hương?
yemdao9Những người tình trong đời bà
Cụ Hoàng Xuân Hãn đã dựa vào thơ còn lại trong Lưu Hương Ký để vẽ ra một lịch-trình người tình của Hồ Xuân Hương mà ta có thể làm thành một bảng vắn tắt như sau:
Tên Các Người Tình Khoảng năm Chức tước
Nguyễn Du (1765-1820) 1790-1793? Sinh-đồ
Mai Sơn Phủ 1799-1801? Không rõ
Tốn Phong 1807-1808 Thư-sinh
Trần Quang Tĩnh 1808-1809 Hiệp-trấn
Trần Phúc Hiển 1813- . . . . Tham-hiệp
Tốn Phong trở lại thăm, đề tựa LHK 1814 Thư-sinh
Trần Ngọc Quán 1815-1816 Hiệp-trấn
Trần Phúc Hiển cưới làm vợ bé 1816 Tham-hiệp
bị tù 1818 (thg 5 ta)
bị xử tử 1819 (thg 5 ta)
Xuân Hương mất 1821-1822?
Trên đây là ta theo cụ Hãn và trong chi-tiết ta có thể không đồng-ý điểm này điểm nọ. Nhưng có điều chắc chắn là những dan díu trên đây là có thật. Người thật, việc thật!
yemdao11Như trường-hợp Nguyễn Du, hai nhà thơ thuộc vào hạng lớn nhất của ta ở đầu thế-kỷ XIX có thể thương yêu nhau, ít nhất là “ba năm vẹn,” phải được xem là một mối tình khá đẹp–mà ta lại còn có bằng-chứng trong bài thơ “Cảm cựu kiêm trình Cần-chánh Học-sĩ Nguyễn-hầu” với tiểu ghi: “Hầu Nghi-xuân Tiên-điền nhân” (“Ông là người làng Tiên-điền, huyện Nghi-xuân” nghĩa là không thể nhầm được).
Rồi đến Mai Sơn Phủ với những trang đẹp nhất trong thơ chữ Hán của bà dành cho ông, một người yêu chắc phải ăn ý lắm vì bà đã dành cho ông những câu thơ nồng nàn nhất (như trong bài “Xuân-đình-lan điệu”):
Tâm tại Vu-phong
Hồn tại Vu-phong
Ân ái thử tao phùng…
khi ta biết Vu-phong tức Vu-sơn, nơi Sở Tương-vương nằm mơ thấy đêm làm mây mưa (= làm tình) với Vu-sơn thần-nữ. Hay trong bài “Thuật ý kiêm giản hữu-nhân Mai Sơn Phủ” (“Thuật lại lòng mình cùng để thư cho ông bạn Mai Sơn Phủ”) bà viết:
Nhất tự sầu phân duệ
Hà nhân noãn bán khâm?
(“Từ lúc buồn chia biệt
“Ai người ấm nửa chăn?”)
Còn trong một bài thơ Nôm tặng Mai Sơn Phủ để nói lên nỗi nhớ da diết của bà, bà viết:
Nước mắt trên hoa là lối cũ,
Mùi hương trong nệm cả đêm thâu.
Vắng nhau mới biết tình nhau lắm:
Này đoạn chung-tình biết với nhau.
Để kết
Như vậy, ta có thể nói mà không sợ sai, Hồ Xuân Hương chủ-yếu là một nhà thơ tình, trong cả thơ chữ Hán lẫn thơ chữ Nôm, trong loại thơ truyền-tụng của bà. Nếu trong thơ chữ Nôm của bà, chuyện làm tình không bao giờ xa ý của bà lắm, nó chỉ được giấu trong những ẩn-dụ mà ai cũng đọc ra được, thì trong thơ chữ Hán nó cũng không xa lắm, chuyện làm tình trong một số bài còn hiển hiện hơn nữa, thậm chí đi đến chỗ “bơ bải” nghe có vẻ phờ phạc (“Năm canh hồn bướm thêm bơ bải,” bà kết trong một bài thơ Nôm trong Lưu Hương Ký).
yemdao10Thế còn những mối tình khác của bà như ta được biết trong thơ Nôm thì sao?
Cụ Hoàng Xuân Hãn bác bỏ tin cho rằng “Khóc ông phủ Vĩnh-tường” là do bà làm ra bởi, theo cụ, tên “phủ Vĩnh-tường” mãi đến năm 1833 dưới thời Minh Mạng mới có mà theo cụ, Hồ Xuân Hương đã chết khoảng năm 1821-22. Song năm chết của bà như cụ phỏng-đoán là không đảm bảo. Có khá nhiều bằng-chứng để cho ta thấy bà còn sống sang đến thời Minh Mạng.
Riêng chuyện tình với Tổng Cóc thì có lẽ nhiều cay đắng hơn là thương yêu:
Cong cóc đi đâu chẳng bảo tôi!
Nòng nọc đứt đuôi từ đấy nhé!
Nghìn năm không chuộc dấu bôi vôi.
Song thế vẫn không có nghĩa là đã không có lúc hai người ăn ở với nhau. Thành thử với Hồ Xuân Hương ta có một nữ-lưu rất tân-thời, rất hiện-đại, ngay cả trong vấn-đề đạo đức, phụ-nữ-quyền. Không còn tam tòng, tứ đức nữa mà là một phụ nữ khẳng-định chỗ đứng độc-lập của mình trong xã-hội, kể cả sự lựa chọn lấy ai, ăn nằm với ai.
Trong nghĩa này, Hồ Xuân Hương phá vỡ cái luân-lý Nho-giáo và đi trước thời-đại. Bà là một George Sand của văn-học Việt-nam, song bà còn đi trước cả George Sand (1804-1876) nữa bởi bà sống ở cuối thế-kỷ XVIII-đầu thế-kỷ XIX, nghĩa là trước nữ-sĩ người Pháp gần nửa thế-kỷ.
Nguyễn Ngọc Bích
Thơ Hồ Xuân Hương
Đánh cờ
Hồ Xuân Hương
Chàng với thiếp đêm khuya trằn trọc,
Đốt đèn lên đánh cuộc cờ người.
Hẹn rằng đấu trí mà chơi
Cấm ngoại thuỷ không ai được biết.
Nào tướng sĩ dàn ra cho hết
Để đôi ta quyết liệt một phen.
Quân thiếp trắng, quân chàng đen
Hai quân ấy chơi nhau đà đã lửa
Thọat mới vào chàng liền nhảy ngựa,
Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên.
Hai xe hà, chàng gác hai bên,
Thiếp thấy bí, thiếp liền ghểnh sĩ.
Chàng lừa thiếp đương khi bất ý,
Đem tốt đầu dú dí vô cung,
Thiếp đang mắc nước xe lồng,
Nước pháo đã nổ đùng ra chiếu.
Chàng bảo chịu, thiếp rằng chẳng chịu
Thua thì thua quyết níu lấy con.
Khi vui nước nước non non,
Khi buồn lại giở bàn son quân ngà
Giếng nước
Hồ Xuân Hương
Ngõ sâu thăm thẳm tới nhà ông,
Giếng ấy thanh tân, giếng lạ lùng.
Cầu trắng phau phau đôi ván ghép,
Nuớc trong leo lẻo một dòng thông!
Cỏ gà lún phún leo quanh mép,
Cá giếc le te lách giữa dòng.
Giếng ấy thanh tân ai đã biết?
Đố ai dám thả nạ rồng rồng
Quả Mít
Hồ Xuân Hương
Thân em như quả mít trên cây.
Da nó xù xì, múi nó dầy.
Quân tử có thương thì đóng cọc,
Xin đừng mân mó, nhựa ra tay
Hang cắc cớ
Hồ Xuân Hương
Trời đất sinh ra đá một chòm,
Nứt làm hai mảnh hỏm hòm hom.
Kẽ hầm rêu mốc trơ toen hoẻn,
Luồng gió thông reo vỗ phập phòm.
Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm,
Con đường vô ngạn tối om om.
Khen ai đẽo đá, tài xuyên tạc,
Khéo hớ hênh ra lắm kẻ dòm.
Kiếp Tu Hành
Hồ Xuân Hương
Cái kiếp tu hành nặng đá đeo,
Ṿây mà chút tẻo tèo teo
Thuyền cừ cương muốn về Tây Trúc
Trái gió cho nên phải lộn leo.
Thương
Hồ Xuân Hương
Há dám thương đâu kẻ có chồng,
Thương vì một nỗi hãy còn không.
Thương con cuốc rũ kêu mùa Hạ,
Thương cái bèo non giạt bể Đông.
Thương cha mẹ nhện vương tơ lưới,
Thương vợ chồng Ngâu cách mặt sông.
ấy thương quân tử thương là thế,
Há dám thương đâu kẻ có chồng.
Vịnh cái quạt
Hồ Xuân Hương
Vịnh cái quạt (1)
Mười bảy hay là mười tám đây
Cho ta yêu dấu chẳng dời tay.
Mỏng dày từng ấy, chành ba góc
Rộng hẹp dường nào, cẵm một cay.
Càng nóng bao nhiêu thời càng mát.
Yêu đêm chưa phi lại yêu ngày.
Hồng hồng má phấn duyên vì cậy.
Chúa dấu vua yêu một cái này.
Dệt vải
Hồ Xuân Hương
Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau,
Con cò mấp máy suốt đêm thâu.
Hai chân đạp xuống năng năng nhắc,
Một suốt đâm ngang thích thích mau.
Rộng, hẹp, nhỏ, to, vừa vặn cả.
Ngắn, dài, khuôn khổ cũng như nhau.
Cô nào muốn tốt ngâm cho kỹ,
Chờ đến ba thu mới dãi mầu
Đèo Ba Dội
Một đèo, một đèo, lại một đèo,
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.
Cửa con đỏ loét tùm hum nóc,
Hòn đá xanh rì lún phún rêu.
Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc,
Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo.
Hiền nhân quân tử ai là chẳng
Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo.
(1) Đèo Ba Dội hay Ba đèo tên chữ là đèo Tam Điệp, thuộc huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hoá.
Đánh Đu
Hồ Xuân Hương
Tám cột khen ai khéo khéo trồng,
Người thì lên đánh, kẻ ngồi trông.
Trai đu gối hạc khom khom cật,
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.
Bốn mảnh quần hồng bay phất phới.
Hai hàng chân ngọc duỗi song song.
Chơi xuân ai biết xuân chăng tái!
Cột nhổ đi rồi, lõ bỏ không.
Mời ăn Trầu
Hồ Xuân Hương
Quả cau, nho nhỏ, miếng trầu ôi,
Này của Xuân Hương đã quệt rồi.
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá, bạc như vôi.
Qua kẽm trống
Hồ Xuân Hương
Hai bên thì núi, giữa thì sông,
Có phải đây là kẽm Trống không?
Gió đập cành cây khua lắc cắc,
Sóng dồn mặt nước vỗ long bong.
trong hang đá hơi còn hẹp,
Ra khỏi đầu non đã rộng thùng.
Qua cửa mình ơi, nên ngắm lại,
Nào ai có biết nỗi bưng bồng.
Tát Nước
Hồ Xuân Hương
Đang cơn nắng cực chửa mưa tè
Rủ chị em ra tát nước khe.
Lẽo đẽo chiếc gầu ba góc chụm,
Lênh đênh một ruộng bốn bờ be.
Xì xòm đáy nước mình nghiêng ngửa,
Nhấp nhỏm bên bờ đít vắt ve.
Mải miết làm ăn quên cả mệt,
Dang bang một lúc đã đầy phe.
Thiếu nữ ngủ ngày
Hồ Xuân Hương
Mùa hè hây hẩy gió nồm đông,
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng.
Lược trúc chải cài trên mái tóc,
Yếm đào trễ xuống dưới nương long.
Đôi gò Bồng đảo sương còn ngậm,
Một lạch Đào nguyên nước chửa thông.
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt,
Đi thì cũng dở, ở không xong.
Tranh hai Tố nữ
Hồ Xuân Hương
Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình?
Chị cũng xinh mà em cũng xinh.
Đôi lứa như in tờ giấy trắng,
Nghìn năm còn mãi cái xuân xanh.
Phiếu mai chi dám tình trăng gió,
Bồ liễu thôi đành phận mỏng manh.
Còn thú vui kia sao chẳng thấy,
Trách ông thợ vẽ khéo vô tình!
Tự Tình 1
Hồ Xuân Hương
Canh khuya văng vẳng trống canh dồn.
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Chén rượu hương đưa, say lại tỉnh,
Vừng trăng bóng xế, khuyết chưa tròn.
Xuyên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con.
Chùa xưa
Hồ Xuân Hương
Thày tớ thung dung dạo cảnh chùa,
Thơ thì lưng túi, rượu lưng hồ.
Cá khe lắng kệ, mang nghi ngóp,
Chim núi nghe kinh, cổ gật gù.
Then cửa từ bi chen chật cánh,
Nén hương tế độ cắm đầy lô.
Nam mô khẽ hỏi nhà sư tí,
Phúc đức như ông được mấy bồ?
Quán Nước Bên Đường
Đứng tréo trông theo cảnh hắt heo,
Đường đi thiên thẹo, quán cheo leo.
Lợp lều, mái cỏ tranh xơ xác,
Xỏ kẽ, kèo tre đốt khẳng kheo
Ba trạc cây xanh hình uốn éo,
Một dòng nước biếc, cỏ leo teo.
Thú vui quên cả niềm lo cũ,
Kìa cái diều ai thả lộn lèo
ốc nhồi
Hồ Xuân Hương
Bác mẹ sinh ra phận ốc nhồi,
Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi.
Quân tử có thương thì bóc yếm,
Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi.
Động Hương Tích
Hồ Xuân Hương
Bày đặt đá ai khéo khéo phòm,
Nứt ra một lõ hỏm hòm hom
Người quen cõi Phật chen chân xọc,
Kẻ lạ bầu tiên mỏi mắt dòm
Giọt nước hươu tình rơi thánh thót,
Con thuyền vô trạo cúi lom khọm
Lam tuyền quyết cả phồn hoa lại,
Rõ khéo trời già để dở dom
motthoi- Tổng số bài gửi : 794
Join date : 17/12/2012
Age : 85
TÌNH BẠN :: THƠ :: THƠ SƯU TẦM
Trang 1 trong tổng số 1 trang
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Sun Oct 27, 2024 6:36 pm by Cẩm Thanh
» Thu buồn
Thu Oct 17, 2024 1:23 pm by Cẩm Thanh
» Bâng khuâng tháng Hạ
Sat Aug 24, 2024 5:53 pm by Cẩm Thanh
» NGỘ NHẬP
Sat Aug 17, 2024 6:34 pm by minhsn12
» Tự tại Thiền Sư
Thu Jul 25, 2024 4:15 pm by Cẩm Thanh
» Lễ cha
Sun Jun 16, 2024 5:20 pm by Cẩm Thanh
» Bước chân không tánh
Tue Jun 04, 2024 12:56 am by Cẩm Thanh
» KINH HÀNH
Mon Jun 03, 2024 7:00 pm by minhsn12
» TRANG THƠ TRẦN CẨM THÀNH
Sat May 04, 2024 7:55 pm by Cẩm Thanh